Tháng 2 năm 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng cứu nước khắp bốn biển năm châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào CM Việt Nam. Người sống và làm việc trong hang Pác Bó trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Mặc dù vậy, Người rất vui và làm việc say sưa miệt mài. Thỉnh thoảng những lúc nghỉ ngơi, Người lại làm thơ. Bên cạnh những bài thơ, bài ca tuyên truyền, kêu gọi lòng yêu nước của đồng bào còn có một số bài thơ tức cảnh, tâm tình đặc sắc. Tiêu biểu nhất là bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”.
Những nội dung chính:
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Hồ Chí Minh (1890 – 1969), quê Làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
– Là vị lãnh tụ thiên tài của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Người là danh nhân văn hóa thế giới và là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
– Sự nghiệp chính của Người là đấu tranh cách mạng để giải phóng nô lệ trên toàn cầu. Quá trình hoạt động ấy đã để lại một kho tàng quý giá về văn hóa trong đó có cả thơ ca cách mạng.
– Tác phẩm chính: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); Đường kách mệnh (1927); Nhật ký trong tù (thơ, 1942);…
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ được viết vào tháng 2/1941 tại hang Pác Bó, huyện Hà Giang, tỉnh Cao Bằng.
b. Nhan đề
Tức cảnh là ngắm cảnh mà có cảm xúc, nảy ra tứ thơ, lời thơ. Tức cảnh sinh tình là ngắm cảnh mà có cảm xúc muốn làm thơ.
c. Thể thơ:
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (4 câu, mỗi câu 7 chữ) – là một thể thơ nổi tiếng bên Trung Quốc đã du nhập vào nước ta và trở thành một trong những thể thơ phổ biến của văn học trung đại Việt Nam.
II. Tìm hiểu văn bản
1. Câu khai: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”
– Câu thơ nói về việc ở và nếp sinh hoạt hàng ngày của Bác Hồ khi ở Pác Bó.
– Nhịp thơ 3/4 tạo câu thơ trở thành 2 vế sóng đôi, toát lên cảm giác nhịp nhàng, nền nếp, đều đặn: sáng ra, tối vào.
– Đó là cuộc sống bí mật, nhưng vẫn giữ được qui củ, nền nếp. Đặc biệt là tâm trạng thoải mái, ung dung hòa điệu với nhịp sống núi rừng, với hang, với suối. Quy luật vận động ấy đã thể hiện một tinh thần làm chủ hoàn cảnh rất chủ động và lạc quan của Bác.
2. Câu thừa: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”
– Câu thứ hai vẫn tiếp tục mạch cảm xúc đó nhưng thêm nét vui đùa: Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
+ Cháo nấu bằng hạt ngô, rau măng lấy từ cây măng của trúc tre trên rừng => thức ăn hàng ngày giản dị, mộc mạc, dân dã, đạm bạc, kham khổ.
– Ba chữ “vẫn sẵn sàng” có nghĩa:
+ Tinh thần lúc nào cũng tiếp nhận khó khăn, gian khổ.
+ Cháo bẹ rau măng là sản vật của núi rừng lúc nào cũng dư thừa, sẵn có.
– Đằng sau vần thơ là nụ cười của một con người sống trong gian khổ khó khăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời.
3. Câu chuyển: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
– Nói về công việc hàng ngày của Bác:
+ Điều kiện làm việc khó khăn: bàn đá chông chênh.
+ Nội dung công việc vĩ đại và quan trọng: dịch sử Đảng.
– Nghệ thuật đối: đối ý: Điều kiện làm việc >< Nội dung công việc; đối thanh: vần bằng “chông chênh” >< vần trắc “dịch sử Đảng”
– Chông chênh là từ láy miêu tả duy nhất trong bài thơ, nó có tác dụng tạo hình. Nó không chỉ miêu tả cái bàn đá tự tạo mà còn phần nào gợi ra cái ý nghĩa tượng trưng cho thế lực cách mạng trước ta còn đang trong thời kỳ khó khăn, trứng nước.
– Ba từ “dịch sử Đảng”, toàn thanh trắc, toát lên cái khỏe khoắn, mạnh mẽ, gân guốc.
=> Qua câu thơ, chúng ta có thể thấy Bác là người yêu thiên nhiên, yêu công việc cách mạng, luôn làm chủ cuộc sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
4. Câu hợp: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”
– Câu thơ cuối là lời tự nhận xét, biểu hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, niềm vui của chủ thể trữ tình:
+ Niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại, sau 30 năm xa nước, mong mỏi “ngày thấy hình của nước”, nay được trở về sống giữa lòng đất nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng để cứu dân, cứu nước.
+ Người vui vì Người tin rằng thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, điều mà Bác chiến đấu suốt đời để đạt đang trở thành hiện thực.
=> Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ hồn nhiên, giản dị, vừa cổ điển, vừa hiện đại. nó như một chứng tích lịch sử về những ngày tháng gian khổ của cách mạng Việt Nam mà Bác là người chèo lái, gợi lên trong lòng người đọc tinh thần lạc quan, biết sống và hướng về một lý tưởng cao đẹp.
III. Tổng kết
1. Nội dung:
Tức cảnh Pác Bó đã khắc họa được cảnh sinh hoạt bình dị, nề nếp, gian khổ, thiếu thốn nhưng hết sức lạc quan, tự tin, yêu đời, yêu thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng.
2. Nghệ thuật:
Một bài thơ thất ngôn bát cú đẽo gọt chặt chẽ. Ngôn ngữ trong sáng, giọng điệu dí dỏm. Ý thơ tự nhiên, phóng khoáng.