Những nội dung chính:
I. Những nét chính về tác giả – tác phẩm
1. Tác giả
– Lê Anh Trà (1927 – 1999), quê ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
– Ông không chỉ là một quân sự, mà còn là một nhà văn, nhà văn hóa tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại.
– Với ngòi bút chân thực, sắc sảo, Lê Anh Trà đã có nhiều đóng góp cho nền văn học hiện đại với nhiều tác phẩm hay, đặc biệt là ở thể loại nghị luận.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ
– “Phong cách Hồ Chí Minh” được trích từ bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh cái vĩ đại gắn liền với cái giản dị” của tác giả Lê Anh Trà.
– Tác phẩm được in trong tập “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” năm 1990.
b. Văn bản nhật dụng và phương thức biểu đạt
– “Văn bản nhật dụng là loại văn bản đề cập, bàn luận, thuyết minh, tường thuật, miêu tả, đánh giá,… về những vấn đề, hiện tượng gần gũi, bức xúc với cuộc sống con người và cộng đồng”.
– Phương thức biểu đạt của văn bản nhật dụng khá phong phú và đa dạng. Trong một văn bản, nó có sự kết hợp nhiều phương thức biểu đạt.
c. Phương thức biểu đạt
– Văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh” có sự kết hợp giữa yếu tố nghị luận và thuyết minh.
d. Bố cục: Hai phần
– Phần một: Từ đầu đến “rất hiện đại”: Quá trình hình thành phong cách văn hóa Hồ Chí Minh.
– Phần hai: Còn lại: Những biểu hiện cụ thể của phong cách văn hóa Hồ Chí Minh.
II. Trọng tâm kiến thức
1. Quá trình hình thành phong cách văn hóa Hồ Chí Minh
– Ngay ở luận điểm đầu tiên, tác giả Lê Anh Trà đã khẳng định vốn tri thức, văn hóa sâu rộng của Người: “Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Hồ Chí Minh”.
– Cách thức để Người tiếp xúc và tiếp thu các nền văn hóa:
+ Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa.
=> Chân lí “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của ông cha ta như được Người khẳng định và chứng minh là luôn luôn đúng.
+ Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài, cụ thể là: Anh, Pháp, Hoa, Nga,…
=> Ngôn ngữ chính là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất, là chìa khóa vạn năng để mở ra cánh cửa của các nền văn hóa trên thế giới.
+ Làm nhiều nghề khác nhau.
=> Những lăn lộn từ thực tiễn lao động đã giúp Người học hỏi được vô vàn những điều quý báu mà không một sách vở nào có được.
– Kết quả mà Người có được:
+ “Học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm”.
=> Uyên thâm ở Người là học hỏi, tìm hiểu đến mức am hiểu sâu sắc mọi vấn đề.
+ “Chịu ảnh hưởng của nền văn hóa, tiếp thu mọi cái đẹp, cái hay”.
=> Tiếp thu cái hay, cái đẹp tức là Người đã tiếp thu một cách có gạn lọc, chọn lọc.
+ “Phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản”.
=> Là một người đầy bản lĩnh, Người đã dám chỉ ra những mặt sai, phê phán những mặt hạn chế của kẻ thù.
– Nhưng kì lạ là những ảnh hưởng quốc tế (phương Tây) đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc (phương Đông) để trở thành một nhân cách rất Việt Nam. (Các em hãy quan sát bảng so sánh sau đây, để thấy được những điểm khác biệt cơ bản giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây):
Phương Đông (Trung Quốc) |
Phương Tây (Anh, Pháp, Nga, Đức…) |
|
Văn hóa | Nông nghiệp | Công nghiệp |
Mối quan hệ cộng đồng | Tập thể | Cá nhân |
Mối quan hệ tự nhiên | Làm chủ | Hòa đồng |
Giải quyết | Mềm mỏng, khéo léo | Thẳng thắn |
=> Trên nền tảng văn hóa dân tộc Người đã tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó chính là sự kết hợp một cách khéo léo giữa cái truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, xưa và nay, dân tộc và quốc tế. Đó chính là nghệ thuật đối lập mà Lê Anh Trà đã sử dụng để cụ thể quá trình hình thành phong cách văn hóa Hồ Chí Minh.
2. Những biểu hiện cụ thể của phong cách văn hóa Hồ Chí Minh
– Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại rất giản dị và đời thường, điều đó được thể hiện trên nhiều phương diện:
+ Nơi ở và nơi làm việc: “Chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “cung điện” của mình”. “Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính Trị, làm việc và ngủ”. Đó không phải là tam cung lục viện, nguy nga, tráng lệ như các vị lãnh tụ, hay các bậc vua chúa thời xưa.
+ Trang phục: Hết sức giản dị với bộ quần áo bà ba, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp cộng với tư trang ít ỏi,…
+ Ăn uống: “rất đạm bạc” với những món ăn đậm chất dân tộc và không chút cầu kì: Cá kho, rau luộc, cà ghém, cà muối, cháo hoa.
=> Bác có quyền được hưởng những cao lương mĩ vị, sơn hào hải vị; có quyền được hưởng một cuộc sống đầy đủ và sang trọng nhưng vì nước, thương dân, bác đã hy sinh quyền lợi, sống như người dân bình thường. Tấm gương đó khiến người người ngưỡng mộ và kính phục.
=> Lê Anh Trà đã đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu, kết hợp lời kể với bình luận một cách tự nhiên, cộng với nghệ thuật đối lập đã làm nổi bật những nét đẹp trong lối sống giản dị và thanh cao của Bác.
– Đặc biệt, tác giả đã sử dụng lối viết so sánh khi so sánh Bác với các nhà nho nổi tiếng trước đây (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm) để làm nổi bật nét đẹp trong lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam.
+ “Không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời”.
+ Đây cũng không phải là lối sống khắc khổ của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó.
+ Đây là một cách sống có văn hóa đã trở thành một quan điểm thẩm mĩ: Cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên.
– Tại sao Lê Anh Trà lại so sánh Người với Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm? Vì hai vị đó là những nhà hiền triết có lối sống giản dị, thanh cao.
+ Giống nhau: Đều tự cho rằng sống giản dị là sống sung sướng, hạnh phúc.
+ Khác nhau: Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm về với thú lâm tuyền để lánh đời. Còn Bác thì cuộc đời hoạt động cách mạng gắn liền với lối sống bình dị, thanh cao rất đời thường.
=> Qua những biểu hiện cụ thể của phong cách văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta cảm nhận được một cách sâu sắc những nét đẹp trong lối sống giản dị mà thanh cao của Người. Bên cạnh đó còn giúp người đọc có một sự liên tưởng để thấy được sự gần gũi giữa Bác Hồ với các vị hiền triết của dân tộc.
III. Tổng kết
1. Nội dung
Phong cách Hồ Chí Minh là sự giản dị trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày, là cách di dưỡng tinh thần để từ đó thể hiện một quan niệm thẩm mĩ cao đẹp.
2. Nghệ thuật
– Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, trang trọng.
– Vận dụng, kết hợp một cách khéo léo các phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm, lập luận.
– Vận dụng một cách tài tình lối nói so sánh và các biện pháp nghệ thuật đối lập.
IV. Một số dạng đề tham khảo
Câu 1. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
“Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.”
a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?
b. Qua đoạn trích tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi các yếu tố nào?
c. Xác định hai danh từ được dùng như tính từ trong câu văn sau và cho biết hiệu quả nghệ thuật của việc dùng từ ấy?
“Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.”
d. Từ đoạn trích, em rút ra được bài học gì cho bản thân về cách học tập, tiếp thu văn hóa nhân loại?