I. Những nét chính về tác giả – tác phẩm
1. Tác giả
– Duy Khán (1934-1993), quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
– Duy Khán là một thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến, các tác phẩm của ông luôn chứa đựng một thứ tình cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, nó đã phác họa nên một bức tranh đầy thơ mộng của vùng quê Việt Nam.
– Duy Khán được những nhà văn đương thời đánh giá là một con người hiền lành và giàu tình cảm, có lẽ vì điều ấy mà trong những câu chữ của ông luôn chất chứa những niềm yêu thương vô bờ, đó có thể là tình yêu quê hương, đất nước và cả tình yêu con người.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ
– Tuổi thơ im lặng xuất bản năm 1986 là tác phẩm nổi tiếng nhất của Duy Khán, được xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cầm bút của ông.
– Tác phẩm đã được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1987.
– Hồi ký tập hợp gồm nhiều chương nhỏ trải dài từ lúc tác giả bắt đầu biết nhận thức cho đến khi gia nhập quân đội năm 15 tuổi. Mỗi chương là những ký ức sinh động về làng quê Bắc Ninh, từ thiên nhiên, phong tục, lễ hội đến mảnh đời những con người có số phận éo le, con vật nuôi, qua con mắt trẻ thơ, không định kiến của cậu bé Khán.
– Thông qua hồi tưởng và kỉ niệm tuổi thơ, tác giả dựng lại những nét chấm phá về cuộc sống ở làng quê thuở trước trong những bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt, đồ vật và hình ảnh con người. Cuộc sống ấy tuy nghèo khó, vất vả nhưng giàu sức sống bền bỉ và chứa đựng bản sắc văn hoá độc đáo của làng quê.
b. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự + miêu tả.
c. Tóm tắt
Trời chớm vào hè, cây cối um tùm, tỏa ngát hương hoa, ong bướm nhộn nhịp bay nhảy. Thế giới của các loài chim ở đồng quê hiện lên sinh động với đa dạng các loài chim. Chim Bồ các thì to mồm, chị Điệp nhanh nhảu. Rồi cả sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, chú chim nhạn hiền lành, gần gũi với con người. Bìm bịp thì lại suốt ngày rúc trong bụi cây, chim diều hâu hung ác đuổi bắt gà con, quạ lia lia láu láu dòm chuồng lợn, chim chèo bẻo kẻ cắp nhưng hung hăng, thích đánh nhau, đánh cả diều hâu lẫn quạ. Rồi có cả chim cắt hung dữ đến mức không một loài chim nào trị được thế mà bị chèo bẻo đánh cho ngắc ngoải.
d. Bố cục: 2 phần
– Phần 1: (Từ đầu đến “lặng lẽ bay đi”): Phong cảnh làng quê vào lúc chớm hè.
– Phần 2: (Còn lại): Thế giới các loài chim.
II. Trọng tâm kiến thức
1. Cảnh buổi sáng chớm hè ở làng quê
– Hoa lan nở trắng xóa.
– Hoa giẻ bung từng chùm.
– Hoa móng rồng thơm như mùi mít chín.
– Ong bướm đánh đuổi nhau vì hoa, vì phấn, vì mật.
– Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao.
– Từ láy tượng thanh “lao xao” gợi tả vẻ đẹp tràn đầy sức sống, đồng thời gợi tả cuộc tranh giành mưu sinh và tồn tại của thiên nhiên tạo vật rất hồn nhiên.
=> Cảnh buổi sáng chớm hè ở làng quê hiện lên với không gian tưng bừng, náo nhiệt.
2. Thế giới các loài chim
– “Sớm. Chúng tôi tụ hội ở góc sân. Toàn chuyện trẻ em. Râm ran. Các… Các… Các…”.
=> Sử dụng các câu văn ngắn, thế giới loài chim được miêu tả qua cái nhìn, cảm nhận trẻ thơ vui vẻ, hồn nhiên, ngây thơ.
– Tác giả miêu tả thế giới các loài theo ba nhóm: chim hiền, chim ác, chim trị ác
– Các loài chim hiền:
+ Chim sáo (sáo đen, sáo sậu): đậu trên lưng trâu mà hót mà mừng được mùa
+ Chim tu hú: báo mùa tu hú chín
+ Chim ngói
+ Chim nhạn: kêu “chéc chéc”
=> Các loài chim hiền thường mang đến niềm vui cho người dân, cho thiên nhiên, đất trời.
=> Miêu tả các loài chim hiền tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa và từ láy.
=> Sử dụng các câu đồng dao, phù hợp với tâm lí trẻ thơ, gợi mối quan hệ họ hàng, ràng buộc thân thiết trong thế giới loài chim, từ đó chỉ ra mối quan hệ làng mạc của con người ở làng quê.
– Những loài chim ác, dữ:
+ Diều hâu: mũi khoằm, đánh hơi xác chết và gà con rất nhanh. Nó lao như mũi tên xuống, tha được con gà, lao vụt lên mây xanh, vừa lượn vừa ăn
+ Bìm bịp: hoá thân của sư hổ mang, chui rúc bụi rậm.
+ Quạ: bắt gà con, ăn trộm trứng, ngó nghiêng ở chuồng lợn
+ Chim cắt: cánh nhọn như mũi dao bầu chọc tiết lợn, khi đánh nhau xỉa bằng cánh, vút đi vụt đến như quỷ
=> Miêu tả các loài chim các tác giả chú ý đến hình dáng, tiếng kêu, hoạt động của chúng kết hợp với nhận xét để người đọc liên tưởng đến những kẻ ác, kẻ xấu.
– Các loài chim trị ác: Chèo bẻo
+ Hình dáng: như những mũi tên đen hình đuôi cá.
+ Với diều hâu: lao vào đánh tới tấp túi bụi.
+ Với quạ: vây tứ phía, đánh.
+ Với cắt: xông lên, mổ.
=> Qua việc miêu tả các loài chim trị ác tác giả nhằm gửi gắm thông điệp: cái ác sẽ bị trừng trị.
=> Các loài chim được miêu tả chi tiết, cụ thể, sinh động và chính xác. Qua đó, thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả và thái độ của nhân dân đối với mỗi loài chim được nhắc đến.
III. Tổng kết
1. Giá trị nội dung
– Đặc điểm một số loài chim ở làng quê và mối quan tâm của con người với loài vật.
– Tình cảm yêu quí các loài vật và tình yêu làng quê đất nước.
2. Giá trị nghệ thuật
– Miêu tả tự nhiên, sinh động, hấp dẫn, nhiều yếu tố dân gian.
– Lời văn giàu hình ảnh.
– Sử dụng nhiều phép tu từ