Nghị luận xã hội: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý

1. Khái niệm

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống,… của con người.

2. Đặc điểm

– Được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, câu danh ngôn của các danh nhân.

* Ví dụ: Tục ngữ Nga có câu: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”. Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu tục ngữ trên.

– Được thể hiện qua những câu nói ngắn gọn đậm chất triết lí.

* Ví dụ: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”. Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.

– Những vấn đề thường đưa vào đề thi:

+ Vấn đề nhận thức: Lí tưởng, mục đích sống.

+ Vấn đề đạo đức, tâm hồn, tính cách: Lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng dũng cảm; chăm chỉ, cần cù; thói ba hoa, ích kỉ;…

+ Vấn đề quan hệ gia đình: Tình mẫu tử, tình anh em,…

+ Vấn đề quan hệ xã hội: Tình thầy trò, tình bè bạn,…

3. Dàn ý chung

* Mở bài

– Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

– Trích dẫn câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn cần nghị luận ra.

* Thân bài

– Giải thích nội dung vấn đề tư tưởng, đạo lí. Tùy vào yêu cầu cụ thể của đề bài mà có những cách giải thích khác nhau:

+ Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, trên cơ sở đó cắt nghĩa nội dung vấn đề.

+ Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó cắt nghĩa nội dung vấn đề.

– Phân tích, chứng minh vấn đề tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

+ Làm sáng tỏ bản chất vấn đề.

+ Đưa ra những dẫn chứng, biểu hiện cụ thể trong cuộc sống.

– Bình luận, đánh giá vấn đề tư tưởng, đạo lí.

+ Đánh giá vấn đề: đúng – sai.

+ Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch đang xảy ra trong cuộc sống.

– Mở rộng vấn đề tư tưởng, đạo lí.

+ Mở rộng bằng cách đào hơn vấn đề.

+ Lật ngược vấn đề (phản đề).

– Bài học nhận thức và hành động (liên hệ bản thân).

+ Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân trong học tập, cuộc sống.

+ Đề xuất phương hướng hành động cụ thể.

* Kết bài: Khẳng định lại một lần nữa giá trị của vấn đề tư tưởng, đạo lí.

4. Đề minh họa

Đề 1

“Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ty Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá 9999 đô la. Rõ ràng, người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi.” 

Theo Tri thức là sức mạnh, Sách giáo khoa Ngữ văn 9

tập 2, NXB Giáo dục

Từ câu chuyện trên, em hãy nêu suy nghĩ của mình về chủ đề: Sức mạnh của tri thức.

 

 Gợi ý dàn bài

Giải thích Tri thức: Những hiểu biết của bản thân về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, được tích lũy qua nhiều năm tháng. Tri thức không chỉ là những hiểu biết có trong sách vở mà còn là hiểu biết đời sống xã hội.
Biểu hiện – Những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội của nhân dân ta được đúc kết trong các câu tục ngữ: Dày sao thì nắng, vắng sao thì mưa; Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa, …

– Người nông dân có tri thức về giống cây trồng, đất đai, thời gian mùa vụ. Người thợ điện có kiến thức về mạch điện, các thiết bị điện, … Học sinh có kiến thức để giải các bài toán, viết văn, …

Lập luận Sức mạnh của tri thức

– Vai trò của tri thức:

+ Tri thức giúp con người cải tạo thiên nhiên, tạo ra mọi của cải vật chất, các giá trị văn hóa tinh thần trong cuộc sống. Nhờ tri thức, chúng ta dự báo được thời tiết, làm tăng sản lượng lúa và hoa màu, tạo ra nhiều giống cây trồng mới, xây dựng được các tòa  nhà cao tầng, …

+ Tri thức giúp thay đổi tương lai của cá nhân, gia đình, đất nước, xã hội. Nhờ có tri thức, người lao động chân tay có thể trở thành người lao động tri thức. Gia đình, đất nước, xã hội sẽ trở nên hiện đại hơn, văn minh, giàu có hơn.

+ Tri thức là sức mạnh của cách mạng. Dân tộc ta đã đánh thắng mọi giặc ngoại xâm vì chúng ta có những vị tướng tài giỏi, biết dùng mưu kế sắc sảo. Tri thức đã giúp ta chiến thắng được mọi vũ khí hiện đại tối tân.

– Nếu không có tri thức:

+ Cả xã hội sẽ ngu muội, lạc hậu, kém phát triển, không tạo ra được của cải vật chất và đi đến tàn lụi.

+ Trong nền kinh tế tri thức, con người không có tri thức sẽ bị đào thải khỏi xã hội hoặc sẽ mãi trở thành nô lệ cho người khác.

+ …

Mở rộng vấn đề + Ngoài kiến thức có trong sách vở, chúng ta cần phải trang bị kiến thức xã hội.

+ Mọi kiến thức đều bắt nguồn từ thực tiễn. Muốn có tri thức, chúng ta cần phải lao động, học từ thực tế. Kiến thức phải được áp dụng vào cuộc sống.

+ Tri thức là sức mạnh, nhưng tri thức phải đi kèm với đạo đức. Người có tri thức mà không có đạo đức thì làm việc gì cũng khó, thậm chí còn là mối họa cho xã hội.

Liên hệ bản thân –  Làm gì để có tri thức?

+ Tăng cường đọc sách, học hỏi từ thầy cô, bạn bè, …

+ Giao lưu với mọi người xung quanh.

+ Phê phán các bạn trẻ lười học, học tập lười suy nghĩ, …

+ …

Đề 2. Nhân dân ta có câu răn dạy:

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Từ đó, em có suy nghĩ gì về lòng hiếu thảo?

Gợi ý dàn bài

Giải thích – Hiếu thảo: Thái độ và cách đối xử ân cần, ngoan ngoãn, thương yêu ông bà, cha mẹ. Lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp của con người. 
Biểu hiện – Lòng hiếu thảo biểu hiện ở thái độ, lời nói, hành động:

+ Luôn kính trọng, yêu thương, lễ phép, quan tâm đến ông bà, cha mẹ.

+ Thấy ông bà, cha mẹ đau yếu thì hỏi han, chăm sóc tận tụy.

+ Luôn sống tốt để ông bà, cha mẹ vui lòng, tự hào.

+ Mua biếu ông bà, cha mẹ thuốc bổ, …

– Các tấm gương về lòng hiếu thảo:

+ Trong sách Hiếu tử truyện, lão Lai Tử già rồi mà vẫn nhảy múa, hát ca để cha mẹ vui.

+ Nguyễn Trãi: khi cha bị giặc Minh bắt đi đày, Nguyễn Trãi đi theo để phụng dưỡng, chăm sóc cha.

+ …

– Trái ngược với hiếu thảo là bất hiếu. Những người bất hiếu thường có thái độ, hành động, việc làm khiến cho ông bà, cha mẹ đau buồn.

+ Con cái chỉ nghĩ đến tài sản của cha mẹ mà bỏ mặc cha mẹ già yếu.

+ Con cái sa vào tệ nạn xã hội, trở thành kẻ xấu.

+ Mặc kệ cha mẹ làm lụng vất vả, con cái chỉ nghĩ đến thú vui của bản thân mình. 

Lập luận Tại sao con người cần có lòng hiếu thảo?

+ Ông bà, cha mẹ đã sinh ra, yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng ta nên người. Không có họ thì không có ta. Họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì ta. Bởi vậy, chúng ta phải luôn kính trọng, biết ơn họ.

+ Có lòng hiếu thảo, chúng ta mới sống có đạo đức, nhân văn, biết uống nước nhớ nguồn. Chúng ta sẽ được nhận lại tình yêu thương, sự bao bọc chở che của mọi người.

+ Khi có lòng hiếu thảo, chúng ta sẽ góp phần tạo nên một gia đình hạnh phúc, êm ấm. Đó là chỗ dựa bình yên nhất của ta mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc đời.

+ Ông bà, cha mẹ một ngày nào đó sẽ rời xa chúng ta. Ngày đau buồn nhất là ngày chúng ta mất đi người thân. Vì vậy, chúng ta phải luôn hiếu thảo.

Nếu không có lòng hiếu thảo thì con người sẽ ra sao?

+ Chúng ta trở thành con người bạc bẽo, vô tình.

+ Chúng ta không nhận được sự yêu thương, giúp đỡ của mọi người.

Mở rộng vấn đề – Hiếu thảo phải đến từ sự biết ơn, cảm xúc chân thành. Hiếu thảo không nên đến từ sự giả tạo, cố tình thể hiện ra bên ngoài cho mọi người thấy.

– Không phải cứ biếu ông bà, cha mẹ những món quà đắt tiền mới là hiếu thảo. Quan trọng nhất, hiếu thảo đến từ thái độ, sự quan tâm từ tận đáy lòng.

Liên hệ bản thân –  Làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo?

+ Học tập, rèn luyện chăm chỉ, ngoan ngoãn.

+ Giúp đỡ ông bà, cha mẹ những lúc rảnh rỗi.

+ Nói lời động viên, quan tâm ông bà, cha mẹ mỗi khi họ gặp khó khăn, ốm đau, mệt mỏi.

+ Dành tặng ông bà, cha mẹ những điểm tốt.

Đề 3 

Trong cuộc sống, ai cũng cần phải có một người bạn. Nếu không có bạn, thì cuộc sống mới thật buồn chán biết bao. Nhưng thế nào là một tình bạn đẹp? Em hãy trả lời câu hỏi ấy bằng một bài văn ngắn.

Gợi ý dàn bài

Giải thích – Tình bạn là tình cảm thân thiết giữa con người với con người, được xây dựng dựa trên sự đồng điệu về sở thích, lí tưởng, mục đích, môi trường sống, … Tình bạn không phân biệt giới tính, tuổi tác, quốc gia, da màu hay dân tộc. 
Biểu hiện – Tình bạn đẹp là tình bạn luôn yêu thương, quan tâm, kề vai sát cánh bên nhau, kể cả lúc gặp khó khăn.

– Tình bạn đẹp là tình bạn luôn hiểu nhau, thậm chí không cần nói ra cũng biết bạn mình đang nghĩ gì. Ta có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồnvới bạn. Khi ta đau khổ, buồn bã, ta tìm được một bờ vai của bạn để dựa dẫm.

– Tình bạn đẹp là tình bạn luôn chân thành, chung thủy, không bao giờ phản bội mình.

– Tình bạn đẹp là tình bạn không rủ rê, lôi kéo ta vào con đường tội lỗi. Ngược lại, có tình bạn đẹp ta sẽ nhận được những lời góp ý chân thành, lời nhắc nhở kịp thời để ta hoàn thiện mình hơn. Những tình bạn đẹp nổi tiếng: Lưu Bình – Dương Lễ; Các Mác – Ăng-ghen; Bá Nha – Tử Kỳ, …

Lập luận Tại sao ta cần có một tình bạn đẹp?

+ Nhờ có tình bạn đẹp mà ta tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

+ Khi gặp khó khăn, ta không thể giải quyết một mình, lúc đó ta cần đến một người bạn tốt có thể giúp đỡ ta. Khi đó, mọi khó khăn như được san sẻ.

+ Dân gian có câu: Giàu vì bạn, sang vì vợ; Bán anh em xa, mua láng giềng gần cũng là để khẳng định giá trị của một tình bạn đẹp.

Nếu ta không có tình bạn đẹp thì sao?

Cuộc sống của ta sẽ cô đơn, buồn chán, nỗi buồn và niềm vui của ta sẽ không biết san sẻ cùng ai. Người không có bạn là người cô độc nhất thế gian.

Mở rộng vấn đề – Chúng ta cần có một tình bạn đẹp, tuy nhiên, trong tình bạn, chúng

ta cũng cần phải có chính kiến, lập trường riêng. Không nên nhất nhất nghe và làm theo bạn. Chúng ta phải biết nói lời từ chối với những yêu cầu, đề nghị không phù hợp với điều kiện với bản thân ta.

– Chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi. Không kết bạn với những người xấu, rủ rê ta vào con đường tội lỗi.

– Chúng ta giúp đỡ bạn hết lòng, nhiệt thành, nhưng chỉ dựa trên khả năng cho phép.

Liên hệ bản thân Ta làm thế nào để có tình bạn đẹp?

– Khi chơi với bạn, ta cần phải có thái độ thân thiện, hòa đồng, chân thành.

– Khi có tình bạn đẹp, ta phải biết trân trọng, giữ gìn.

– Sẵn sàng giúp đỡ những lúc bạn khó khăn. 

– Không phản bội bạn, không làm bạn tổn thương.

Làm chủ kiến thức Ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10 (Phần II)

Tác giả: Phạm Trung Tình

XEM THÊM

Dàn ý: Kể lại kỷ niệm ngày khai trường đáng nhớ của em

Đề bài: Một bạn cho rằng có rất nhiều ngày khai trường, nhưng ngày khai trường vào lớp Một để lại dấu ấn sâu...

Tìm hiểu văn bản: Ra-ma buộc tội

I. Tìm hiểu chung 1. Hoàn cảnh ra đời a) Sử thi Ra-ma-ya-na - Hình thành: Khoảng thế kỷ IV-III TCN được viết bằng văn vần, tiếng...

Tìm hiểu chi tiết văn bản: Chí Phèo – Nam Cao

I. Tìm hiểu chung 1. Tác giả - Nam Cao (1917 – 1951) tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân...

KẾT NỐI VỚI THẦY

9,904FansLike
204FollowersFollow
74SubscribersSubscribe
- Advertisement -

NỔI BẬT

Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Truyện Kiều

Dàn ý chi tiết A. Mở bài Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Truyện Kiều là...

Tìm hiểu văn bản: Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm 1. Tác giả - Lê Anh Trà (1927 – 1999), quê ở xã Phổ...

Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí – Chính Hữu

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí - Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác mùa xuân năm 1948, sau khi tác giả tham...

Dàn ý chi tiết: Nghị luận về lòng nhân ái của con người

a) Mở bài - Dẫn dắt, nêu vấn đề cần nghị luận: Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất cao quý của con...

Văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm 1. Tác giả - Quê ở huyện Trường Tân , nay là huyện Thanh...
- Advertisement -
error: Content is protected !!