Tìm hiểu văn bản: Cô bé bán diêm – An-Đec-Xen

Có cảnh tượng thương tâm nào hơn cảnh một em bé mồ côi mẹ chết cóng trong đêm giao thừa. Câu chuyện về “Cô bé bán diêm” của An – Đec – Xen đã đưa người đọc đến với đất nước Đan Mạch vào những năm giữa thế kỷ XIX nghèo đói, bần hàn. Đan Mạch là một nước nhỏ thuộc khu vực Bắc Âu, diện tích chỉ bằng một phần tám diện tích nước ta, thủ đô là Cô-pen-na-ghen. An-Đec-Xen là nhà văn nổi tiếng nhất của Đan Mạch.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

  • An-Đec-Xen (1805-1875) là nhà văn nổi tiếng nước Đan Mạch với loại truyện kể về trẻ em. Nhiều truyện ông biên soạn lại từ truyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông hoàn toàn sáng tạo ra.
  • Nhiều truyện ngắn của An-Đec-Xen đã đi cùng tuổi thơ của biết bao em nhỏ khắp năm châu: Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Nàng công chúa và hạt đậu…
  • Các truyện của ông nhẹ nhàng, tươi mát, toát lên lòng yêu thươn con người, nhất là những người nghèo khổ và niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cái tốt đẹp trên thế gian.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” sáng tác năm 1845, ra đời vào thời điểm Am-Đec-Xen sáng tác nhiều nhất.

b. Tóm tắt: Cô bé bán diêm

Trong đêm giao thừa, trời rét mướt, có một cô bé đầu trần, chân đi đất, bụng đói đang rầu rĩ đi bán diêm trong bóng tối. Cô bé bán diêm ấy đã mồ côi mẹ và cũng đã mất đi người thương yêu em nhất là bà nội. Em không dám về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em vội quẹt que diêm thứ hai, em được thấy một bàn ăn thịnh soạn hiện lên. Rồi em quẹt que diêm thứ ba và được thấy cây thông Nô-en. Quẹt que diêm thứ tư: bà nội hiền từ của em hiện lên đẹp đẽ, gần gũi và phúc hậu biết mấy. Nhưng ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để mong níu bà nội lại. Cô bé bán diêm đã chết trong giá rét khi mơ cùng bà bay lên cao mãi.

c. Bố cục: 3 phần

  • Phần 1: Từ đầu… cứng đờ ra: Hoàn cảnh của cô bé bán diêm
  • Phần 2: Tiếp theo… về chầu thượng đế: Những lần quẹt diêm của cô bé
  • Phần 3: Còn lại: Cái chết của cô bé bán diêm

II. Tìm hiểu văn bản

1. Cô bé trong đêm giao thừa

a. Gia cảnh của cô bé bán diêm

  • Mẹ chết, sống với người bố khó tính, bà nội – người yêu thương em cũng đã qua đời.
  • Nhà nghèo, sống “chui rúc trong xó tối tăm”. “trên gác sát mái nhà”, em “luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa”.
  • Vì gia cảnh nghèo túng mà em phải đi bán diêm để kiếm sống.

b. Hình ảnh cô bé bán diêm trong đêm giao thừa

  • Ở đoạn đầu của tác phẩm, tác giả đã sử dụng rất thành công nghệ thuật đối lập – tương phản.

+ Trời đông rét mướp tuyết rơi >< cô bé thì “đầu trần, chân đi đất, bụng đói, đang dò dẫm trong bóng tôi”.

+ Ngoài đường thì lạnh buốt và tối đen >< nhưng “cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn”.

+ Em bé “bụng đói”, cả ngày chưa ăn uống gì >< mà “trong phố sực nức mùi ngỗng quay”.

  • Những hình ảnh đối lập tương phản có tác dụng rất lớn, nhằm làm nổi bật tình cảm hết sức tội nghiệp: rét, đói, khổ của em bé – đã rét lại càng rét hơn khi thấy “mọi nhà đều sáng rực ánh đèn”; đã đói lại càng đói hơn khi “trong phố sực nức mùi ngỗng quay”.
  • Ngoài ra, hình ảnh “cái xó tối tăm” em sống chui rúc với bố hiện nay và “ngôi nhà xinh xắn có dây trưỡng xuân bao quanh” năm xưa khi bà nội em còn sống.
  • Hình ảnh tương phản này không chỉ làm nổi bật nỗi khổ về vật chất mà cả sự mất mát về chỗ dựa tinh thần của em bé vì chỉ có bà nội là người thương em.
  • Đến tận đêm vẫn không bán được bao diêm nào, vẫn không dám về vì sợ bố đánh.

=> Hoàn cảnh thật đáng thương. Chưa cần biết diễn biến của câu chuyện ra sao, chỉ nội một cảnh đầu tiên cũng đã gợi ra rất nhiều thương tâm, đồng cảm trong lòng người đọc.

c. Cảnh thực và những ảo ảnh

  • Đêm giao thừa cô đơn, ngập chìm trong tuyết lạnh, cô bé: “thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em cảm thấy rét buốt hơn”, “lúc này đôi bàn tay” mỗi lúc lại “cứng đờ ra”.
  • Trong tình cảnh đó, cô bé đã nghĩ tới việc đánh diêm để “hơ ngón tay”, để phần nào xua đi cái cô đơn lạnh cóng.
  • Câu chuyện được tiếp tục nhờ chí tiết lặp lại và biến đổi rất tự nhiên, hợp lý và thú vị qua chi tiết 5 lần cô bé quẹt diêm. Trong đó, cảnh thật và cảnh ảo đan xen nhau.
  • Lần thứ nhất:

+ Cảnh ảo: “Hiện ra lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng tỏa ra hơi nóng dịu dàng”.

+ Cảnh thật: Bên tay cầm diêm, ngón cái nóng bỏng lên.

=> Đó là hình ảnh tưởng tượng đầu tiên vì em đang rét cóng nên mơ ước đầu tiên, gần nhất ắt phải là cái lò sưởi. Điều mơ ước đó là thiết thực và hợp lý. Tuy nhiên, khi “em vừa duỗi chân ra sưởi thì ngon lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất”. Ước mơ và hiện thực là một khoảng cách xa vời. Một cái lò sưởi trong đêm đông giá rét, một mái nhà ấm cúng mãi mãi là ước mơ, là khát vọng của em bé mà thôi.

  • Lần thứ hai:

+ Cảnh ảo: một bàn ăn sang trọng, thức ăn ngon lành tỏa mùi thơm ngào ngạt: “Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay”.

+ Cảnh thực: là khi que diêm vừa tắt thì “chẳng có bàn ăn nào cả, chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt…và mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm”

=> Trong ánh sáng ngắn ngủi của que diêm, em tưởng tượng ra những thứ mình cần, bởi vì sau cái rét là cái đói. Những bức tường câm lặng, những bức tường không biết nói do chính con người tạo ra để che chở cho người này và để tạo ra sự ngăn cách đối với người khác.

  • Lần thứ ba:

+ Cảnh ảo: hiện ra một cây thông noel

+ Cảnh thật: vẫn không đổi.

=> Cây thông noel là mơ ước vui chơi trong đêm giáng sinh mới diễn ra cách đó 5,6 ngày. Cây thông noel đã làm em thèm thuồng thì giờ đây lại hiện ra trước mắt em và lại biến mất trong nháy mắt cùng với ánh lửa que diêm.

  • Lần thứ tư:

+  Cảnh ảo: Hình ảnh người bà đã mất xuất hiện, sống lại với nụ cười dịu dàng với dứa cháu mồ côi nhỏ bé, đáng thương. Em bé cất lời nói với bà để biểu hiện tình cảm nhớ thương bà, ước nguyện đi cùng bà.

+ Cảnh thật: vẫn không thay đổi.

=> Vì trong tình cảm của em bé mẹ và bà là những người thương yêu em nhất. Nó gắn với thực tế vì em đang rất cô đơn, bơ vơ, khao khát được yêu thương chăm sóc. Những biểu hiện đó để chuẩn bị hợp lý cho lần quẹt diêm thứ năm – lần cuối cùng.

  • Lần thứ năm – lần cuối cùng: Em quẹt diêm liên tục cho kỳ hết bao diêm để dẫn tới hình ảnh diêm nối nhau chiếu sáng như ban ngày:

+  Cảnh ảo: Hình ảnh bà nội hiện lên trong tưởng tượng chưa bao giờ to lớn, đẹp lão như thế. Em muốn níu giữ bà em lại với em. Em lại muốn bà em đi với em, em đi theo bà.

+ Cảnh thật: vẫn không đổi. Em đã chết vì rét trong đêm giao thừa.

  • Chỉ là một tưởng tượng, đây là giây phút em bé đã ra đi vĩnh viễn trong đói khát, rét mướt, trong niềm hy vọng tan biến.
  • 5 lần quẹt diêm, 5 lần lặp lại và biến đổi, thực tại xen lẫn ảo ảnh, nối tiếp, trở đi trở lại, tất cả được sắp xếp và tưởng tượng tuyệt khéo gợi lên cho người đọc vẻ đẹp hồn nhiên, tươi tắn của em bé đáng thương như một tiểu thiên thần.
  • Tác giả bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc của mình với em bé bất hạnh. Ngòi bút nhân ái và lãng mạng của nhà văn đã làm cho câu chuyện cảm động đau thương vẫn nhẹ nhàng đầy chất thơ.
  • Hình ảnh một em bé nghèo khổ, bất hạnh, đáng thương, đáng trọng. Một con người phải đối mặt với những khó khăn thử thách ở đời mà vẫn không nguôi mong muốn, khát vọng những điều tốt đẹp nhất.

=> Em bé thật tội nghiệp. Người đời đối xử với em quá lạnh lùng, chỉ có bà và mẹ là yêu thương em nhưng đều đã qua đời. Cha em có lẽ vì quá nghèo khổ nên cũng đối xử với em thiếu tình thương; khách qua đường chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em nên em chẳng bán được bao diêm nào; những người nhìn thấy thi thể em vào sáng ngày mồng 1 tết cũng vô tình và lạnh lùng.

2. Một cảnh thương tâm

  • Ngày mồng một, người ta nhìn thấy thi thể em bé mồ côi ngồi giữa những bao diêm một cách vô tình, lạnh lùng.
  • Chỉ có cái nhìn đầy cảm thông cùng tấm lòng nhân hậu và lãng mạn của An-Đec-Xen mới có thể viết lại một câu chuyện thương tâm mà vẫn làm cho người đọc bớt đi cảm giác bi thương.
  • Cho đến những dòng cuối cùng của tác phẩm, nhà văn vẫn dùng hình ảnh đối lập, tương phản rất đặc sắc: Giữa ngày đầu năm hứa hẹn những mầm sống mới mọc lên, có một em bé chết.
  • Miêu tả một cảnh thương tâm về cái chết của cô bé bán diêm, ngòi bút của tác giả vừa thực, vừa mộng. Sự thực là em bé khốn khổ kia đã chết, nhưng đây là một cái chết đẹp, hình hài thể xác chết mà linh hồn, khát vọng của em vẫn sống, sống trên đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười. Rõ ràng, đến với những dòng cuối của áng văn, tình thương, niềm tin con người và khát vọng những điều tốt đẹp nhất con người trong cõi lòng nhà văn Đan Mạch thấm đẫm chất nhân đạo, nhân văn.
  • Trong cái xã hội thiếu tình thương, nhà văn An-Đec-Xen đã viết truyện này với tất cả niềm cảm thông, yêu thương đối với em bé bất hạnh. Nhưng rõ ràng, truyện ngắn “Cô bé bán diêm” là một cảnh tượng thương tâm.
  • Cái chết của cô bé là tiếng nói tố cáo xã hội mạnh mẽ, phê phán lối sống ích kỷ, co cụm, chỉ biết mình của thế giới hiện đại. Đó là sự cảm thông sâu sắc của nhà văn kể chuyện thiên tài An-Đéc-Xen.

III. Tổng kết

1. Nội dung

  • Qua số phận bất hạnh của em bé nghèo, chúng ta thấy được xã hội mà em sống, đó là một xã hội không có tình người. Đồng thời truyện còn có sức tố cáo xã hội; phê phán lối sống ích kỷ, co cụm, chỉ biết mình của thế giới hiện đại. Câu chuyện còn toát lên niềm thương cảm của nahf văn đối với những em bé nghèo khổ. Vì thế, truyện vừa có giá trị hiện thực, vừa có giá trị nhân văn, nhân đạo.

2. Nghệ thuật

  • Tác giả thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đối lập – tương phản. Những hình ảnh đối lập tương phản càng lúc càng gay gắt, thực tế và mộng tưởng, cuộc đời và ảnh ảo cứ sóng đôi hiện hiện, đan cài, tranh chấp nhau, nâng dần lên, bay cao lên.
  • Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng, với các chi tiết tương phản, diễn biến hợp lý, truyền cho chúng ta lòng thương cảm đối với em bé bất hạnh, lay động trong ta thình thương và niềm tin ở con người.

XEM THÊM

Dàn ý: Kể lại kỷ niệm ngày khai trường đáng nhớ của em

Đề bài: Một bạn cho rằng có rất nhiều ngày khai trường, nhưng ngày khai trường vào lớp Một để lại dấu ấn sâu...

Tìm hiểu văn bản: Ra-ma buộc tội

I. Tìm hiểu chung 1. Hoàn cảnh ra đời a) Sử thi Ra-ma-ya-na - Hình thành: Khoảng thế kỷ IV-III TCN được viết bằng văn vần, tiếng...

Tìm hiểu chi tiết văn bản: Chí Phèo – Nam Cao

I. Tìm hiểu chung 1. Tác giả - Nam Cao (1917 – 1951) tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân...

KẾT NỐI VỚI THẦY

9,904FansLike
204FollowersFollow
74SubscribersSubscribe
- Advertisement -

NỔI BẬT

Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Truyện Kiều

Dàn ý chi tiết A. Mở bài Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Truyện Kiều là...

Tìm hiểu văn bản: Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm 1. Tác giả - Lê Anh Trà (1927 – 1999), quê ở xã Phổ...

Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí – Chính Hữu

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí - Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác mùa xuân năm 1948, sau khi tác giả tham...

Dàn ý chi tiết: Nghị luận về lòng nhân ái của con người

a) Mở bài - Dẫn dắt, nêu vấn đề cần nghị luận: Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất cao quý của con...

Văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm 1. Tác giả - Quê ở huyện Trường Tân , nay là huyện Thanh...
- Advertisement -
error: Content is protected !!