I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tuổi trẻ cần phải có bản lĩnh để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.
Gợi ý: Mọi con đường ta đi chẳng thể nào rải đầy những bông hoa hồng hay cỏ dại thơm ngát, mà trên con đường đó sẽ có những nguy hiểm đang rình rập, chờ đợi bạn ở phía trước. Cuộc đời này cũng vậy, khi đất nước phát triển, cách sống của con người ngày càng đổi mới, những khó khăn trong cuộc sống cũng ngày càng nhiều. Để làm một con người trưởng thành thật sự thì không chỉ có những khó khăn mà có cả những sự cám dỗ, nguy hiểm đang đợi bạn ở trước và muốn vượt qua nó một cách dễ dàng thì bạn phải có bản lĩnh. Có ý kiến cho rằng: “Tuổi trẻ ngày nay cần sống có bản lĩnh để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách”.
II. Thân bài
* Giải thích:
– Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.
* Phân tích, chứng minh:
– Biểu hiện của người sống bản lĩnh:
+ Quyết đoán, không vì người khác nói ra nói vào mà lung lay ý chí quyết tâm của mình.
+ Người có bản lĩnh thường nói là làm và không nói hai lời.
+ Khi gặp khó khăn thường không than khóc oán trách số phận hay đổ lỗi cho người này, người kia mà là người tự dám nhận lỗi về mình tự mình khắc phục khó khăn để bước tiếp.
+ Dám sống theo đuổi ước mơ dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống
– Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh:
+ Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.
+ Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.
+ Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.
* Bình luận, mở rộng:
+ Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.
III. Kết bài:
– Đưa ra bài học nhận thức và hành động
Ví dụ: Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã,… mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.