Tìm hiểu chi tiết văn bản: Chí Phèo – Nam Cao

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Nam Cao (1917 – 1951) tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. Là một nhà văn hiện thực lớn (trước Cách Mạng), một nhà báo kháng chiến (sau Cách Mạng), một trong những văn sĩ tiêu biểu nhất thế kỷ 20 của Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

– Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải.

– Thuở nhỏ, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong- Nam Định). Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung, ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi cưới vợ năm 18 tuổi.

– Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác. Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác “tìm đường” của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.

– Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, rồi ông được cử làm Chủ tịch xã của chính quyền mới ở địa phương.

– Năm 1950 Nam Cao chuyển sang làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc trong toà soạn tạp chí Văn nghệ. Tháng 6, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sỹ, sau đó ông được cử làm Ủy viên tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng. Trong năm đó, ông tham gia Chiến dịch Biên giới.

– Tháng 5 năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng về dự Hội nghị văn nghệ Liên khu 3, sau đó hai nhà văn cùng vào công tác khu 4. Nam Cao trở ra tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp, vào vùng địch hậu khu 3. Ông có ý định kết hợp lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn thành.

– Trên đường đi công tác, ông bị quân Pháp phục kích và bắn chết vào ngày 28 tháng 11 năm 1951 (30 tháng Mười âm lịch), tại Hoàng Đan (Ninh Bình).

– Năm 1996, Nam Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật ngay trong đợt 1.

– Tác phẩm: Chí Phèo (1941), Truyện người hàng xóm (1944), Sống mòn (1956), Đôi mắt (1948), Đời thừa (1943),…

2. Hoàn cảnh sáng tác

Truyện ngắn Chí Phèo, nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đã đặt lại là Chí Phèo.

3. Tóm tắt tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao

Truyện ngắn Chí Phèo là câu chuyện về nhân vật cùng tên Chí Phèo – một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong một cái lò gạch cũ. Hắn được người làng chuyền tay nhau nuôi. Lớn lên, Chí Phèo đi ở hết nhà này tới nhà nọ và làm canh điền cho Lý Kiến. Vì ghen tuông vô lí, Lý Kiến đẩy Chí Phèo vào tù. Bảy năm sau Chí Phèo trở về làng trong một bộ dạng khác hẳn của một tay anh chị. Hắn bị Bá Kiến lợi dụng và biến thành tay sai. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, chuyên rạch mặt ăn vạ và gây tai họa cho người trong làng.

Mối tình với Thị Nở đã làm Chí Phèo hồi sinh, hắn khao khát làm hòa với mọi người và sống lương thiện. Nhưng bà cô Thị Nở và cái xã hội đương thời đã chặn đứng con đường trở về làm người lương thiện của Chí. Tuyệt vọng, hắn tìm giết Bá Kiến và tự sát. Nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn xuống bụng và thầm nghĩ đến một cái lò gạch bỏ không, xa đường cái và vắng người qua lại.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Chí Phèo và con đường tha hóa:  của người nông dân trước Cách mạng

– Chí Phèo có tuổi thơ bất hạnh: Chí Phèo vốn mồ côi, bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ, được người làng chuyền tay nhau nuôi: Anh thả ống lươn nhặt được mang về cho bà góa mù nuôi; rồi bà ấy cho bác phó cối không con, rồi bác ấy chết, Chí Phèo trở thành đứa trẻ lang thang, không nhà cửa, không một tấc đất cắm dùi.

– Chí Phèo là người nông dân hiền lành, lương thiện và có lòng tự trọng.

+ Năm hai mươi tuổi, Chí làm canh điền cho nhà Lí Kiến. Chí cũng có ước mơ, hy vọng bình dị về mái ấm gia đình, ở đó có chồng cày thuê, vợ dệt vải,… Chí không những chăm chỉ, hiền lành mà hắn còn giàu lòng tự trọng, có ý thức về danh dự. Khi bị vợ ba của Lí Kiến sai bóp chân, Chí cảm thấy xấu hổ, nhục nhã.

=> Như vậy, từ lúc ra đời cho đến năm hai mươi tuổi, Chí Phèo là một nông dân lương thiện, chất phác như bao người khác trong xã hội.

– Chí Phèo trở thành tay sai cho bá Kiến, con quỷ của làng Vũ Đại: Chỉ vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến nhẫn tâm đẩy Chí Phèo vào tù. Nhà tù thực dân tiếp tay cho bọn cường hào nên chỉ sau 7,8 năm ở tù, Chí đã hoàn toàn bị tha hóa. Ra tù, Chí bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính. Hắn trở thành một người khác, với cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm, cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ, trông hắn thật gớm chết. Hắn cũng luôn trong trạng thái say triền miên, ăn ngủ, rạch mặt, chửi bới trong lúc say. Không những thế, tính cách hắn cũng thay đổi. Chí không còn là anh canh điền ngày xưa mà trở thành một thằng liều mạng, có thể làm mọi việc vì tiền như một thằng đầu bò chính cống: kêu làng, ăn vạ, đập phá, đâm chém,…

– Quá trình tha hóa của Chí diễn ra khá nhanh chóng:

+ Lần thứ nhất sau khi ra tù, Chí tìm đến nhà bá Kiến để trả thù nhưng khi được vỗ về bằng những lời ngọt ngào, được thiết đãi bằng rượu thịt và còn được biếu hẳn một đồng bạc để uống rượu, Chí đã không còn nhớ đến mối thù nữa.

+ Lần thứ hai, Chí đến nhà bá Kiến để xin tiền uống rượu và trở thành tay sai ho bá Kiến, nhận đòi nợ Đội Tảo 50 đồng. Hắn được trả công 5 đồng và 5 sào vườn ở bãi sông.

=> Như vậy, từ một người nông dân lương thiện, Chí đã bị bọn thống trị lợi dụng và trở thành tay sai cho bá Kiến, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đe dọa biết bao nhiêu cuộc đời.

– Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo: Lúc say, bao giờ hắn vừa đi, vừa chửi. Hắn chửi đời, chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn. Nhưng không ai lên tiếng, không ai đáp lại, không ai để ý. Hắn đã bị khai trừ ra khỏi cộng đồng loài người, giờ đây Chí sống tăm tối như thú vật, xa lại với mọi người, với xã hội loài người.

=> Tiếng chửi là phản ứng của hắn trước cuộc đời, là sự quẫy đạp của một con người trong tâm trạng bất mãn, tuyệt vọng, cô độc.

– Nỗi đau khổ của Chí gói trọn trong tiếng chửi tưởng như vô thức ấy. Đó là bi kịch của con người bần cùng hóa đến lưu manh hóa, không chỉ bị hủy hoại hình hài, nhân tính mà còn là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Sức mạnh tố cáo, giá trị hiện thực của tác phẩm là ở chỗ đó.

– Chí phèo hoàn lương – Bị kịch của con người bị cự tuyệt quyền làm người: Mỗi tình với Thị Nở:

+ Thị Nở là một người phụ nữ xấu xí ma chê quỷ hờn, lại ngẩn ngơ, dở hơi, có mả hủi, nghèo lại ế chồng, ngoài ba mươi tuổi mà chưa có chồng.

+ Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Chí Phèo và Thị Nở là sự kiện có tính bước ngoặt cuộc đời hắn. Thị Nở ra bờ sông kín nước, ngồi nghỉ rồi ngủ quên trong vườn chuối nhà Chí Phèo. Chi say rượu trở về thấy Thị và họ đã ăn nằm với nhau. Nửa đêm, hắn đau bụng, nôn mửa và được thị dìu vào lều chăm sóc.

– Tâm trạng Chí Phèo khi tỉnh dậy:

+ Lần đầu tiên từ lúc ra từ, Chí tỉnh rượu. Hắn thấy bâng khuâng, lòng mơ hồ buồn. Hắn nhận ra âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh: tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng trò chuyện của những người đàn bà đi buôn vải,… Đó là tiếng gọi tha thiết mà rất đỗi bình dị, thân thương của cuộc sống.

+ Hắn nhìn lại đời mình trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Hắn nhớ về quá khứ với ước mơ nhỏ bé, giản bị về hạnh phúc gia đình. Khát vọng bình dị ấy vọng về làm hắn cảm thấy tiếc nuối và lòng nao nao buồn. Quay lại hiện tại, hắn thấy hắn đã già, đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời, cơ thể đã hư nhiều, thế mà hắn vẫn còn cô độc. Chí nhận ra cuộc đời hắn thật đáng buồn, hắn cay đắng vì tình trạng tuyệt vọng của đời mình. Còn tương lai, hắn nhìn thấy đói rét, ốm đau và nhất là cô độc. Hắn sợ cô độc.

=> Có thể nói, cuộc gặp gỡ với Thị Nở và trận ốm đã làm tâm hồn Chí hồi sinh, hắn bắt đầu ý thức  đầy đủ và sâu sắc về cuộc đời mình. Nam Cao miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tự nhiên, tinh tế, hợp lí.

– Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành của Thị Nở:

+ Khi tỉnh dậy sau cơn say và trận ốm, hắn được Thị Nở mang cho một bát cháo hành. Bát cháo hành vừa là hình ảnh thực, vừa là hình ảnh tượng trưng mang ý nghĩa biểu tượng.

+ Với Thị Nở, đó là bát cháo của tình thương, tình nghĩa của thị dành cho Chí Phèo.

+ Còn với Chí, bát cháo hành có ý nghĩa đặc biệt. Lần đầu tiên, hắn được một người đàn bà cho nên hắn từ ngạc nhiên, xúc động: mắt ươn ướt, bâng khuâng, vừa vui lại vừa buồn. Hắn cảm nhận được tình yêu thương, khát khao hạnh phúc lứa đôi. Hắn cảm thấy cháo hành rất ngon. Bát cháo hành bình dị nhưng làm hồi sinh bản chất hiền lành, lương thiện vốn có trong con người Chí. Hắn cảm thấy ăn năn, lòng thành trẻ con, muốn làm nũng với thị. Hắn thấy thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người. Chí phèo đã trở lại là anh canh điền ngày xưa hiền lành, chất phác. Đó là bản chất đẹp đẽ vốn có trong con người Chí bị lấp đi, nay có cơ hội hồi sinh. Chí Phèo hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn, hòa nhập với mọi người, chấm dứt đoạn đời thú vật. Khát vọng làm người lương thiện này thật đáng trân trọng.

=> Bát cháo hành là biểu tượng cho tình thương, thức tỉnh lương tri, lương tâm trong con người Chí Phèo. Chi tiết này có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.

2. Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người

– Bị cự tuyệt quyền làm người người của Chí Phèo được thể hiện qua những tiếng chửi từ đầu truyện. Chí Phèo xuất hiện trong tác phẩm lần đầu tiên không phải bằng xương, bằng thịt mà thông qua tiếng chửi, hắn vừa đi vừa chửi để đối thoại với cuộc đời. Nhưng điều đau đớn ở đây là: cho dù gắn đã tìm mọi cách để giao tiếp với đời, với dân làng Vũ Đại nhưng chẳng ai quan tâm, đáp lại. Nhà văn đã thành công trong việc sử dụng tiếng chửi để mở đầu cho bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.

– Bi kịch bị cự tuyệt làm người của Chí Phèo được nhà văn tiếp tục hé lộ qua việc giới thiệu hoàn cảnh xuất thân. Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ khi mới sinh ra, trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên ngoài cái lò gạch bỏ không. Hắn đã được người làng chuyền tay nhau nuôi lớn. Bị chính những người thân của mình bỏ rơi và chưa một lần được gặp họ, nhưng Chí Phèo đã cố gắng rất nhiều trong cuộc sống. Hắn cũng đã từng có ước mơ về mái gia đình yên ấm, hạnh phúc. Chỉ vì một cơn ghen tuông vô cớ của Lí Kiến đã đẩy Chí Phèo vào cảnh tù tội. Sau đó, nhà thực dân phong kiến đã tiếp tục đầy Chí Phèo thành kẻ lưu  manh hóa.

– Bi kịch tha hóa, lưu manh hóa là con đường dẫn đến bi kịch bị cự tuyệt làm người của Chí Phèo. Chí Phèo đã thay đổi cả nhân tình và nhấn tính, thành con quỷ dữ, là nỗi ám ảnh của dân làng Vũ Đại. Hắn bị mọi người xa lánh và khiếp sợ.

– Đỉnh điểm của bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo là khi bị Thị Nở từ chối tình yêu:

+ Cuộc đời Chí Phèo đã thay đổi rất nhiều từ khi gặp Thị Nở. Mặc dù nhà văn đã miêu tả Thị Nở là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn nhưng tình yêu thương của Thị Nở đã cứu vớt cuộc đời Chí Phèo. Hắn khao khát thành người lương thiện và ước mơ một mái ấm gia đình. Nhưng chính Thị Nở cũng là người đóng cánh cửa trở về với lương thiện của Chí Phèo. Thị Nở đã cắt đứt với Chí Phèo vì bị bà cô cấm đoán; cả làng Vũ Đại, cả xã hội không ai đón nhận linh hồn người vừa trở về của Chí. Định kiến của bà cô cũng là định kiến của xã hội đương thời, làm cho Chí đau đớn và tuyệt vọng.

+ Hắn uống rượu cho thật say, nhưng càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hắn ôm mặt khóc rưng rức hắn càng thấm thía nỗi đau khôn cùng của thân phận. Phẫn uất, Chí xách dao đi, định đến nhà Thị Nở. Trong ý định, Chí định đến nhà đâm chết con khọm già, con đĩ Nở nhưng sự thức tỉnh về thân phận và bi kịch đã đẩy chệch hướng đi của Chí Phèo dẫn Chí đến thẳng nhà Bá Kiến. Hơn ai hết lúc này, Chí hiểu ra rằng: kẻ đã làm cho mình phải mang lốt quỷ, kẻ đã làm mình ra nông nỗi khốn cùng này chính là Bá Kiến.

+ Lòng căm thù đã âm ỉ bấy lâu nay trong con người của Chí càng thấm thía tội ác kẻ đã cướp đi quyền làm người, cướp đi cả bộ mặt và linh hồn của mình. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với tư cách là một nô lệ thức tỉnh, đòi quyền làm người: Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện?. Đó là những câu hỏi vút lên đầy cay đắng và không lời giải đáp. Câu hỏi chất chứa nỗi đau của một con người thấm thía được nỗi đau khôn cùng của bi kịch cá nhân.

+ Chí giết Bá Kiến và tự sát. Cái chết của Chí Phèo là bản án tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, một cuộc sống mà trong đó con người muốn sống lương thiện cũng không được.

=> Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo là bản án đanh thép tố cáo hiện thực xã hội đương thời.

3. Nhân vật Thị Nở

– Thị Nở là một người đàn bà có ngoại hình xấu xí, vừa xấu vừa ngớ ngẩn. Cái xấu của Thị Nở được Nam Cao gói gọn trong bốn từ: Ma chê quỷ hờn. Chỉ bốn chữ đó đã cso thể khiến người đọc hình dung ra dung mạo người phụ nữ làng Vũ Đại này. Người ta vẫn bảo ở đời ít người vừa xấu xí, vừa nghèo, vừa ngớ ngẩn. Nhưng thực ra Thị Nở lại mang trong mình cả ba điều đó. Chỉ có như thế Thị Nở mới có thể sánh với Chí Phèo, những người cùng cảnh ngộ.

– Thị Nở nghèo, cái nghèo đeo bám. Cả làng Vũ Đại ai cũng biết đến Thị, vì ngoại hình thô kệch và nghèo. Thị đi gánh nước thuê để kiếm sống qua ngày. Thị cũng như Chí Phèo, không được ai yêu thương. Có lẽ đây chính là dụng ý của Nam Cao khi để Chí Phèo và Thị Nở gặp nhau. Những kẻ cùng đường trong xã hội đến với nhau, yêu thương nhau, có thể chỉ trong phút chốc nhưng cũng gọi là có được tình yêu.

– Thị Nở là người đàn bà nghèo, xấu xí, tính tình ngớ ngẩn nhưng lại có một tấm lòng rất sáng, là tình yêu thương người. Có lẽ đây chính là điều mà Nam Cao muốn gửi gắm, nhắn nhủ đến mọi người.

– Nhân vật Thị Nở được khắc họa qua đêm gặp Chí Phèo, qua chi tiết bát cháo hành, qua từng cử chỉ ân cần và lời hỏi thăm dàn cho Chí. Có lẽ đây là đoạn văn thấm đẫm tình yêu, đoạn văn đẹp giữa những con người cùng cực, bế tắc trong xã hội.

– Thị Nở thương Chí Phèo, một tình thương xuất phát từ trái tim, lòng cảm thông sâu sắc, không vu lợi, không cá nhân. Chỉ đơn thuần đó là tình yêu. Chí Phèo – con quỷ làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng là người, cũng cần được yêu thương. Hắn cần Thị, cả cuộc đời hắn cần thị như thế. Thị Nở và Chí Phèo đến với nhau trong cái đêm hôm ấy, đêm Chí Phèo say rượu, họ sống như vợ chồng suốt mấy ngày. Bát cháo hành là động lực, là sợi dây kết nối tình cảm giữa Thị Nở và Chí Phèo. Có thể nói Thị Nở và bát cháo hành là cứu cánh cho cuộc đời Chí Phèo về sau.

=> Nam Cao đã để cho người đọc nhiều ám ảnh về nhân vật Thị Nở. Là người có thể làm thay đổi Chí Phèo, cũng là người mang lại yêu thương nhỏ nhoi, ít ỏi cho Chí. Đây chính là giá trị nhân văn củ truyện ngắn Chí Phèo.

4. Giá trị nhân đạo của truyện

– Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao ở đây trước hết được biểu hiện ở chỗ đã khám phá ra nỗi khổ bị đày đọa, lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người của người lao động lương thiện. Nam Cao bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đó. Qua tấn bi kịch và số phận bi thảm của Chí Phèo, Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho người lao động lương thiện: Làm thế nào để cho con người được sống một cuộc sống xứng đáng trong cái xã hội vùi dập nhân tính ấy; hãy tiêu diệt hoàn cảnh phi nhân tính, hãy làm cho hoàn cảnh nhân đạo hơn.

– Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo còn thể hiện qua thái độ lên án gay gắt những thế lực tàn bạo đã gây nên tấn bi kịch đau thương cho người lao động (bọn thống trị độc ác; nhà tù thực dân; những thành kiến, định kiến vô nhân đạo).

– Tư tưởng nhân đạo đặc sắc, độc đáo của Nam Cao ở đây còn được thể hiện ở thái độ trân trọng, nâng niu những nét đẹp người nông dân. Cao hơn nữa, nhà văn còn khám phá ra những phẩm chất lương thiện của họ ẩn giấu đằng sau những tâm hồn tưởng như u mê, cằn cỗi.

* Những vẻ đẹp ở Chí Phèo

– Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện, giàu lòng tự trọng, biết “không thích cái gì người ta khinh”; biết phân biệt giữa tình yêu cao thượng và cảm giác nhục dục thấp hèn. Những lần “bà ba, cái con quỷ cái” bắt hắn làm những việc không chính đáng “hắn thấy nhục, chứ yêu đương gì”.

– Hắn đã từng mơ ước rất bình dị: “Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nuôi một con lợn để làm vốn liếng. “Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.

– Bị nhà tù xã hội thực dân phong kiến biến Chí thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại”, nhưng dưới đáy sâu tâm hồn hắn vẫn lấp lánh ánh sáng nhân phẩm.

– Khát khao tình yêu hạnh phúc lứa đôi: biết yêu thương, biết “say sưa”, “rưng rưng” và “bẽn lẽn” nhận ra hương vị cháo hành “Trời ơi mới thơm làm sao!”. Đó là hương vị của tình người, của tình yêu chân thành, của hạnh phúc giản dị và thấm thía lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng. Chí Phèo muốn được sống với Thị Nở: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”. Và khi bị “cắt đứt mối tình”, Chí biết tiếc, biết buồn, biết khóc vầ uất ức, giận dữ.

– Khát khao được làm người lương thiện. Chí Phèo “muốn được làm người lương thiện”! “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. “Thị Nở có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lai không thể được. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng… của những người lương thiện”. Điều đó đã có lúc khiến Chí Phèo hồi hộp hi vọng.

+ Có tinh thần phản kháng: Khi bị Thị Nở cự tuyệt và nhận ra mọi ngỏe đường trở lại xã hội loài người bị chặn đứng, Chí Phèo đã đến thẳng nhà Bá Kiến, vung lưỡi dao căm hờn lên giết chết Bá Kiến – kẻ thù khủng khiếp đã cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính của Chí để đòi quyền làm người lương thiện của mình. Sau đó Chí Phèo đã tự sát vì tuyệt vọng, vì Chí không muốn sống tăm tối, tủi nhục như kiếp sống thú vật nữa.

=> Dựng lên một hình tượng người nông dân bị tha hóa, “một con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, Nam Cao không hề có ý định bôi nhọ người nông dân, trái lại đã dõng dạc khẳng định nhân phẩm của họ, trong khi họ đã bị rách nát cả hình hài lẫn tâm hồn. Điều đó chứng tỏ con mắt nhân đạo của Nam Cao rất sâu sắc, mới mẻ và “tinh đời”.

* Những vẻ đẹp của nhân vật Thị Nở

– Tư tưởng nhân đạo độc đáo và mới mẻ của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” còn được biểu hiện ở việc phát hiện ra vẻ đẹp của nhân vật Thị Nở.

– Dưới ngòi bút của Nam Cao, Thị Nở đã trở thành người phụ nữa rất giàu tình thương. Đằng sau cái bề ngoài xấu xí và tính khí “dở hơi” còn ẩn chứa một trái tim nhân hậu. Khi Chí Phèo bị ốm, Thị Nở đã chăm sóc tận tình… Với bàn tay dịu dàng, ấm nóng nhân tình của người phụ nữa, Thị đã mang đến cho Chí một bát cháo hành còn “bốc khói”. Chính bát cháo hành ấm nóng tình người ấy đã đánh thức dậy nhân tính của Chí Phèo.

– Cũng như những người phụ nữ khác, Thị Nở rất khao khát tình yêu và hạnh phúc. Cuộc gặp gỡ của hai kẻ khốn khổ đã tạo nên sự đồng cảm và Thị Nở đã yêu Chí Phèo, ước ao được sống chung với Chí. Tình yêu đã làm cho người đàn bà “xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn” ấy biến đổi một cách kì diệu: “Trông thị thế mà có duyệt. Tình yêu làm cho có duyên”. Phát hiện ra điều đó chứng tỏ cái nhìn nhân đạo của Nam Cao có chiều sâu hiếm có.

III. Tổng kết

Chí Phèo đã khái quát một hiện tương xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

XEM THÊM

KẾT NỐI VỚI THẦY

9,904FansLike
204FollowersFollow
75SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

NỔI BẬT

- Advertisement -spot_img
đăng ký w88, w88, nhà cái uy tín, đăng ký 8xbet, w88 chuẩn nhất, trang cá độ bóng đá, fb88, 8xbet, link vào fun88, lô đề trên mạng, đánh đề trên mạng, link vào fb88, link vào 8xbet, trang cá cược bóng đá uy tín, nhà cái ok vip, cá cược qua mạng, trang cá độ bóng đá uy tín, trang chủ w88, nhà cái uy tín nhất, link vào w88
error: Content is protected !!