Tìm hiểu: Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937), quê ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh ra ở Huế.

– Ông có vốn hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, nhất là lịch sử, địa lý, văn hóa Huế. Là nhà văn chuyên viết bút kí, được đánh giá là: Một trong những nhà văn viết kí hay nhất nước ta (Nguyên Ngọc).

– Năm 2007, ông được trao giải thưởng về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là Lâm Thị Mĩ Dạ.

– Nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật:

+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều.

+ Lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

– Các tác phẩm tiêu biểu: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1986),…

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Ai đã đặt tên cho dòng sông? được rút ra từ tập bút kí cùng tên, xuất bản năm 1984. Tập bút kí này gồm tám bài viết về nhiều đề tài khác nhau nhưng tập trung chủ yếu ở hai nguồn cảm hứng lớn : ngợi ca đất nước con người Việt Nam, tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc (Rừng hồi, Ai đã về châu xưa, Đời rừng, Đứa con phù sa, Cồn Cỏ ngày thường); ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên, con người và văn hóa Huế (Ai đã đặt tên cho dòng sông, Về cây panhxô và khẩu súng của Trường, Hoa trái quanh tôi). Trong số những bài kí đó, Ai đã đặt tên cho dòng sông? được xem là đặc sắc hơn cả. Tác phẩm được viết tại Huế ngày 4-1-1981, gồm 3 phần. Đoạn trích trong SGK là phần thứ nhất, phần này “nghiêng hẳn về chất thơ thi vị, ngọt ngào” (Trần Đình Sử).

b. Ý nghĩa nhan đề “ Ai đã đặt tên cho dòng sông”

– “Ai đã đặt tên cho dòng sông” Câu hỏi tu từ đặt ra “Với trời, với đất” đưa nhà văn và độc giả về với hành trình lịch sử tìm về cuội nguồn văn hoá dân tộc. Từ đó dòng sông Hương hiện ra trên nhiều phương diện địa lí, lịch sử, văn hoá, thơ ca… Kết thúc tuỳ bút là một huyền thoại rất đẹp, bộc lộ cái tôi trữ tình suy tư: “ Con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống sông, đẻ làn nước thơm tho mãi”. Tác giả gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hoá lịch sử.

– Nhan đề và kết thúc tác phẩm thể hiện rõ chủ đề và phong cách bút kí của tác giả giàu sức gợi cảm thấm đẫm chất thơ.Qua đó tác giả ca ngợi tính chất sông Hương – con sông gắn bó với lịch sử, văn hoá Huế của dân tộc ta. Tác phẩm thể hiện long yêu mến say mê cảnh vật, văn hoá đất nước. Hình ảnh dòng sông đất nước được thể hiện bằng tài năng của một cây bút giàu chất chí tuệ, chất văn hoá và ngôn ngữ trong sáng, chọn lọc, tinh tế.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương

– Sông Hương khi ở thượng nguồn: Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương như một bản trường ca của rừng già:

+ Có lúc rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy qua đại ngàn, qua ghềnh thác cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu.

+ Cũng có lúc dịu dàng, say đắm qua những khúc sông dài dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.

+ Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng.

+ Nghệ thuật liên tưởng độc đáo, phép nhân hóa, so sánh, nhiều động từ, tính từ gợi cảm làm nổi bật vẻ đẹp hoang dã, mạnh mẽ, đầy cá tính, sức sống mãnh liệt nhưng cũng dịu dàng và say đắm của sông Hương ở thượng nguồn.

+ Ra khỏi rừng già, sông Hương trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng nên sông Hương mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ. Hình ảnh ẩn dụ “người mẹ phù sa” gợi ra cảm nhận sông Hương là ngọn nguồn cho cảm hứng nghệ thuật, văn hóa của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung.

=> Bằng sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú cùng với nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài hoa, táo bạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện, khắc họa vẻ đẹp trẻ trung, hoang dại đầy cá tính của sông Hương. Đó là vẻ đẹp kín đáo và sâu thẳm của sông Hương mà nếu chỉ nhìn khuôn mặt kinh thành của nó thì sẽ không thể hiểu hết được.

– Ở ngoại vi thành phố Huế (đồng bằng):

+ Sông Hương khi chảy về kinh thành Huế lại mang nhiều vẻ đẹp đa dạng, gắn bó với đặc trưng văn hóa, không gian kinh thành Huế. Trước khi trở thành người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô, sông Hương đã trải qua hành trình đầy gian truân và nhiều thử thách. Trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả, toàn bộ thủy trình của dòng sông tựa như một cuộc tìm kiếm có ý thức của người tình nhân đích thực của người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.

+ Xuôi về đồng bằng, sông Hương như người gái đẹp nằm ngủ mơ màng đợi người tình đánh thức.

+ Thủy trình của sông Hương quanh co, gập ghềnh, chuyển dòng liên tục, đột ngột. Từ cánh đồng Châu Hóa, qua ngã ba Tuần, dòng sông theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Tràn, rẽ hướng Tây Bắc vòng qua Nguyệt Biểu, Lương Quán, rồi rẽ một vòng cung phía Đông Bắc ôm chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về thành phố Huế.

=> Có thể nói, sông Hương đã tìm mọi cách để đến với thành phố thân yêu – người tình của nó.

– Trong hành trình tìm kiếm người tình mong đợi của mình, sông Hương đã bộc lộ nhiều vẻ đẹp:

+ Vẻ mềm mại, gợi cảm khi nó uốn những đường cong thật mềm, mềm như tấm lụa. Đó là vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng, tình tứ như nét duyên thầm của những người thiếu nữ Huế e thẹn nghiêng nghiêng vành nón lá che mặt.

+ Vẻ đẹp nhiều màu sắc của màu nước biến ảo: Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím. Sự biến ảo độc đáo này không đơn giản là do mây trời và ánh sáng tạo nên mà còn là ý thức làm mới mình trong tình yêu để hoàn thiện bản thân của người thiếu nữ sông Hương.

+ Vẻ trầm mặc, cổ kính khi chảy dưới những rừng thông u tịch với những lăng mộ kiêu hãng, âm u. Đến Huế, sông Hương đã mất đi vẻ phóng khoáng, man dại để hài hòa với cảnh vật, con người và bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô Huế.

=> Hai bút pháp lể và tả được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa trong đoạn văn đã làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi phối cảnh kì thú với thiên nhiên xứ Huế phong phú mà hài hòa.

– Sông Hương khi qua qua thành phố Huế:

+ Khi về tới thành phố Huế, như tìm thấy sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm, uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu.

+ Sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Đất là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế.

+ Nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình, sông Hương cũng giống sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Be-đa-pét,… nhưng trong cách biểu đạt tài hoa của tác giả, sông  Hương được cảm nhận với nhiều góc độ. Nhìn bằng con mắt của hội họa, sông Hương và những chi lưu của nó với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa bóng xuống những xóm thuyền chài xúm xịt tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; những ánh lửa lập lòe trong đêm sương tạo nên sự huyền ảo, thơ mộng của Huế. Qua cách cảm nhận âm nhạc, sông Hương đẹp như điệu slow chậm rãi, sâu lắng, trữ tình trong nền âm nhạc cổ điển Huế.

=> Với cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là người tình dịu dàng và chung thủy với điệu chảy lững lờ như đắm say, quấn quít trong tình yêu, như nỗi vấn vương mỗi nỗi lòng.

– Sông Hương khi rời khỏi thành phố Huế:

+ Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính Bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ.

+ Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kíp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ để nói lời từ biệt. Đó nỗi vương vấn, cả chút lẳng lơ kín đáo trong tình yêu giống như nàng Kiều trong đêm tình tự đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng để thề nguyền thủy chung. Nét đẹp dịu dàng mà táo bạo ấy phải chăng xuất phát từ tình yêu chân thành, mãnh liệt của người phụ nữ trong tình yêu? Tấm lòng thủy chung son sắt ấy cũng chính là tấm lòng chung tình của người dân Châu Hóa xưa nói riêng, người dân xứ Huế nói chung, dành trọn cho quê hương xứ sở.

=> Như vậy, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương là hành trình của dòng sông từ thượng nguồn ra biển, đi qua thành phố Huế. Hành trình vượt ghềnh thác hiện lên vẻ đẹp mãnh liệt, phóng khoáng và man dại; hành trình đi tìm tình yêu toát lên vẻ đẹp gợi cảm, tình tứ, đắm say; hành trình về biển cả, rời xa người tình trong nỗi lưu luyến, vấn vương, chung tình. Qua đó, cho thấy tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng của tác giả dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu.

=> Nét đặc sắc về nghệ thuật qua việc miêu tả tình tượng sông Hương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,… Tất cả được phô diễn trong lối hành văn hướng nội súc tích, mê đắm và tài hoa.

2. Sông Hương nhìn từ góc độ văn hóa thi ca và lịch sử của dân tộc:

– Sông Hương nhìn từ góc độ lịch sử dân tộc:

+ Trong mỗi quan hệ với lịch sử dân tộc, sông Hương mang vẻ đẹp của một bản hùng ca ghi dấu những thế kỉ vinh quang từ thuở còn là một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng, thủa nó mang tên là Linh Giang (dòng sông thiêng) trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, là dòng viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân cảu người anh hùng Nguyễn Huệ vào thế kỉ XVIII; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIV với máu những cuộc khởi nghĩa; nó chứng kiến thời đại mới với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bao chiến công rung chuyển qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược của dân tộc ta. Sông Hương là nhân chứng lịch sử chứng kiến mùa xuân Mậu Thân (1968), thời điểm quân dân ta mở cuộc tổng tiến công vào sào huyệt Mĩ – ngụy và sông Hương cũng chứng kiến tội ác hủy diệt của chúng đối với các di sản văn hóa, lịch sử trên đất Huế.

+ Sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn bó với từng con người xứ Huế, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Sông Hương không chỉ là bản anh hùng ca tấu lên bao chiến công trong lịch sử, mà còn là nhân chứng nhẫn nại và kiên cường qua những thăng trầm của đất nước. Tuy nhiên, điều làm nên vẻ đẹp giản dị mà khác thường của dòng sông là ở chỗ: Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình cho một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc đời bình thường, làm một người con gái diu dàng của đất nước.

=> Quay về quá khứ xa xưa, ngòi bút nhà văn lấp lánh niềm tự hào về lịch sử một dòng sông có cái tên mềm mại, dịu dàng nhưng kiên cường, kiêu hãnh qua thăng trầm lịch sử.

– Sông Hương nhìn ở góc độ văn hóa thi ca:

+ Trong cảm nhận của nhà văn, sông Hương còn hàm chứa trong bản thân nó nền văn hóa phi vật chất.

+ Sông Hương, dòng sông âm nhạc: Từ âm thanh của dòng sông (tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiếng mái chèo khua sóng đêm khuya, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền đã hình thành những làn điệu hò dân gian và nền âm nhạc cổ điển Huế. Và rồi cũng chính trên dòng sông ấy, những câu hò Huế vút lên, mênh mang, xao xuyến…

+ Sông Hương, dòng sông thi ca: Sông Hương với cuộc đời và thi ca là một nhân chứng nhẫn nại và kiên cường qua những thăng trầm của cuộc đời. Tuy nhiên, điều làm nên vẻ đẹp giản dị mà khác thường của dòng sông là ở chỗ: khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước.

=> Có lẽ chính điều đó đã làm cho sông Hương không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ.

+ Sông Hương gắn với cuộc đời các nghệ sĩ và thi ca. Vẻ đẹp của sông Hương hiện lên muôn màu, muôn vẻ trong trí tưởng tượng phong phú của tác giả: Mỗi tác giả đều có một khám phá riêng về nó: từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ, dòng sông trắng, lá xây xanh trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà; từ tha thướt mơ màng, nó chợt nhiên hùng tráng lên như kiếm dựng trời xanh trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng trong hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan; nó đột ngột khởi thành sức mạnh phục sinh trong tâm hồn thơ Tố Hữu. Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả Từ ấy.

=> Bằng vốn kiến văn phong phú, tác giả đã lay động linh hồn của con sông mà tên gọi của nó đã đi vào văn chương nghệ thuật mà theo tác giả: Dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ.

=> Từ một dòng sông hoang dại, phóng khoáng, sông Hương đã trở nên dịu dàng, tài hoa và đầy ý chí kiên cường. Có lẽ đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường nói chung, với nhân dân Huế nói chung thì sông Hương chính là một biểu tượng đẹp đẽ nhất tạo nên vẻ đẹp Huế suốt mấy nghìn năm lịch sử.

III. Nội dung

1. Nội dung

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã gợi ra vẻ đẹp của Huế, của tâm hồn người Huế qua sự quan sát sắc sảo của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông Hương.

2. Nghệ thuật

Đoạn trích bài bút ký mang đậm phong cách của thể tùy bút vì chất tự do phóng túng và hình tượng cái “tôi” tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một hồn thơ thực sự trong văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những cảm xúc sâu lắng.

XEM THÊM

KẾT NỐI VỚI THẦY

9,904FansLike
204FollowersFollow
75SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

NỔI BẬT

- Advertisement -spot_img
error: Content is protected !!