I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
a. Tiểu sử
– Lý Bạch (701-762) tự Thái Bạch, quê ở Lũng Tây (nay thuộc tỉnh Cam Túc)
– Khi 5 tuổi, gia đình ông chuyển đến sinh sống tại làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu ( Tứ Xuyên).
– Lí Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có.
– Tài thơ văn của ông được bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ, và đến năm 16 tuổi, danh tiếng của ông đã nổi khắp vùng đất Tứ Xuyên. Nhưng vì chán chốn trần gian ông bỏ lên núi Đái Thiên Sơn và bắt đầu cuộc đời ẩn sĩ.
b. Sự nghiệp văn học
– Ông là nhà thơ lãng mạn vĩ đại của Trung Quốc.
– Vì tính cách khoáng đạt, thơ lại hay nói đến cõi tiên nên Lí Bạch được gọi là “Thi tiên.”
c. Tác phẩm chính
– Thơ ông hiện còn trên 1000 bài: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan…
– Nội dung thơ Lí Bạch rất phong phú, với những chủ đề chính là: ước mơ vươn tới lí tưởng cao cả, khát vọng giải phóng cá tính, bất bình với hiện thực tầm thường, thể hiện tình cảm phong phú và mãnh liệt.
d. Phong cách sáng tác
– Phong cách thơ Lí Bạch rất hào phóng, bay bổng lại rất tự nhiên, tinh tế và giản dị.
– Đặc trưng nổi bật của thơ Lí Bạch là sự thống nhất giữa cái cao cả và cái đẹp.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
– Mạnh Hạo Nhiên (689 – 740) là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường, là người bạn văn chương rất thân thiết của Lý Bạch.
– Bài thơ được sáng tác khi tác giả tiễn bạn đi Quảng Lăng tại lầu Hoàng Hạc
b. Bố cục (2 phần)
– 2 câu thơ đầu: cảnh tiễn biệt ở Hoàng Hạc lâu
– 2 câu còn lại: cảm xúc của tác giả
c. Chủ đề
– Ca ngợi tình bạn chân thành, sâu sắc
II. Trọng tâm kiến thức
1. Hai câu thơ đầu
– Mối quan hệ không gian được tạo lập bởi ba hình ảnh:
+ Lầu Hoàng Hạc (một thắng cảnh nổi tiếng, biểu tượng cho sự chia li)
+ Thành Dương Châu (nơi bạn nhà thơ sắp đến – một thắng cảnh đô hội phồn hoa).
+ Ở giữa hai địa danh ấy là dòng Trường Giang rộng mênh mông và xa hun hút.
+Lầu Hoàng Hạc đã gợi buồn, khoảng cách giữa mình với nơi bạn đến còn gợi buồn hơn.
– Mối quan hệ thời gian: Tháng ba – mùa hoa khói. Đó là vào lúc “xuân vừa chín”, sông Trường Giang nhộn nhịp hoa khói mùa xuân (hoa khói cũng tượng trưng cho sự phồn hoa của Dương Châu – nơi Mạnh Hạo Nhiên sắp đến) => Cảnh vào lúc ấy tuy có gợi lên một chút nhộn nhịp nhưng vẫn không át được nỗi buồn lúc chia li.
– Mối quan hệ con người: Tác giả chỉ dành giới thiệu qua hai chữ “cố nhân”=> gợi ra mối quan hệ gắn bó thân thiết từ lâu giữa bạn với nhà thơ.
=> Như vậy, hai câu thơ đầu đã gợi nên bao nỗi bâng khuâng, xao xuyến, nỗi buồn thầm kín của đôi bạn phải xa nhau. Bạn xuôi dòng Trường Giang về Dương Châu là nơi phồn hoa đô hội, người ở lại cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Cuộc chia tay diễn ra bên bờ sông, nhưng nhà thơ lại chọn nơi điểm cao để vọng theo bạn. Lên cao để nhìn xa, để nhìn theo bạn. Nỗi lưu luyến, nỗi buồn biệt li như cùng mở ra trong không gian mênh mông.
2. Hai câu thơ sau
– Sông Trường Giang là một huyết mạch giao thông chính của miền Nam Trung Quốc. Vào mùa xuân hẳn phải có rất nhiều thuyền bè xuôi ngược. Vậy mà người đưa tiễn chỉ thấy có một cánh buồm lẻ loi (cô phàm) của cố nhân cứ dần dần lùi sâu vào nước xanh mênh mang thăm thẳm => Người ra đi cô đơn, người đưa tiễn cũng cô đơn, bịn rịn, luyến lưu.
– Duy kiến (chỉ thấy): dòng Trường Giang- dòng sông chứng kiến cảnh biệt ly
– Bạn đã đi xa, cánh buồm chỉ còn là “nền ảnh” thấp thoáng như hư, như thực. Tiếp theo đó là một dòng sông chảy vào cõi trời – một khoảng không xanh biếc, rợn ngợp. Tất cả những hình ảnh ấy đều góp phần diễn tả cái nhìn dõi trông, sự dùng dằng, lưu luyến của kẻ ở – người đi.
=> Tâm trạng của tác giả – người ở lại trở nên bàng hoàng, hẫng hụt.
III. Tổng kết
1. Giá trị nội dung
– Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thành của hai nhà thơ thòi thịnh Đường. Qua bài thơ người đọc biết quý hơn tình cảm bạn bè – một tình cảm luôn tồn tại trong mọi thời đại.
2. Giá trị nghệ thuật
– Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng
-> ý tại ngôn ngoại
– Bút pháp tả cảnh ngụ tình