Câu 1/ Trang 95/ SGK Ngữ văn 9 Tập 1
Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:
– Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích (chú ý không gian mở ra theo chiều rộng, chiều xa, chiều cao qua cái nhìn nghệ thuật của nhân vật).
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều (chú ý hình ảnh trăng, “mây sớm đèn khuya”).
– Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?
Trả lời
– Không gian trước lầu Ngưng Bích vô cùng rộng lớn, mênh mông, bát ngát:
+ Hình ảnh “non xa”, “trăng gần” gợi không gian dài, rộng, cao, sâu vô tận. Đồng thời, gợi sự chơ vơ, chênh vênh, trơ trọi của lầu Ngưng Bích.
+ Từ láy “bát ngát” càng tô đậm hơn cái vô cùng, vô tận của không gian.
– Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều:
+ Hai chữ “khóa xuân” không chỉ nói lên hoàn cảnh đáng thương mà còn nhấn mạnh sự kìm kẹp, giam hãm của tuổi xuân của Thúy Kiều.
+ Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín.
=> Tất cả như giam hãm con người và để khắc sâu thêm nỗi cô đơn.
– Tâm trạng của Thúy Kiều:
+ Sự cô đơn, lẻ loi đến cùng cực.
+ Sự ngổn ngang trăm mối, day dứt, âu lo.
+ Nỗi chua xót, “bẽ bàng” cho thân phận.
Câu 2/ Trang 95/ SGK Ngữ văn 9 Tập 1
Tám câu thơ tiếp theo nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
a. Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ đến ai? Nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không? Vì sao?
b. Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khau nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh để làm sáng tỏ điều đó.
c. Em có nhận xét gì về tấm lòng Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?
Trả lời
a. – Trong cảnh ngộ cô đơn nơi chân trời góc bể, Kiều đau đớn nhớ tới chàng Kim.
– Nỗi nhớ chàng Kim đến trước, nỗi nhớ cha mẹ đến sau.
– Nỗi nhớ của Thúy Kiều hoàn toàn hợp lý, bởi khi Kiều bán mình chuộc cha là nàng đã tạm tròn chữ hiếu mà dang dở chữ tình. Cái mặc cảm của một kẻ phụ tình luôn thường trực trong suy nghĩ của nàng nên nỗi nhớ chàng Kim đã xuất hiện trước.
b. – Nói về nỗi nhớ của Thúy Kiều với Kim Trọng, Nguyễn Du không dùng từ “nhớ” mà dùng từ “tưởng”:
+ Từ “tưởng” vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra Kim Trọng.
+ Kiều “tưởng” như thấy lại đêm trăng đẹp nhất của cuộc đời mình. Cái đêm mà nàng cùng với Kim Trọng thề nguyền đính ước bên nhau.
+ Thúy Kiều như tưởng tượng thấy, ở nơi xa kia, người yêu cũng đang hướng về mình, đang ngày đêm đau đáu chờ tin nàng.
– Nói về nỗi nhớ của Thúy Kiều tới cha mẹ, Nguyễn Du không dùng từ “nhớ” mà dùng từ “xót”:
+ Chữ “xót” diễn tả một cách chính xác tấm lòng của Kiều dành cho cha mẹ.
– Nàng xót xa khi hình dung ra chốn quê nhà cha mẹ vẫn ngày đêm tựa cửa ngóng trông, lo lắng cho nàng.
c. Nỗi nhớ của Kiều dành cho Kim Trọng và cha mẹ đã nói lên nhân cách đáng trân trọng của nàng. Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, nàng mới là người đáng thương nhất. Nhưng quên đi cảnh ngộ của bản thân, nàng đã hướng yêu thương vào những người thân yêu nhất. Nàng thật sự là một người tình thủy chung, một người con hiếu thảo, một con người có tấm lòng vị tha, cao cả.
Câu 3/ Trang 96/ SGK Ngữ văn 9 Tập 1
Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
a. Cảnh vật ở đây là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trang Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.
b. Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
– Cảnh đầu tiên: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.”
+ Là bức tranh của cảnh chiều hôm nhớ nhà.
+ Hình ảnh ẩn dụ “cánh buồm” là hình ảnh rất đắt để thể hiện ngoại cảnh và nội tâm nhân vật. Cánh buồm nhỏ nhoi đơn độc giữa biển nước mênh mông không biết bao giờ mới tìm được bến bờ neo đậu; cũng như Kiều còn lênh đênh giữa dòng đời, biết bao giờ mới được trở về sum họp, đoàn tụ với những người thân yêu.
– Cảnh thứ hai: “Buồn trông ngọn nước mới xa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
+ Hình ảnh ẩn dụ “hoa trôi” thể hiện cho nỗi buồn cho thân phận lênh đênh, nổi chìm giữa dòng đời của Thúy Kiều.
+ Tạo dựng bức tranh tương phản: Một bên là không gian của cửa bể lúc thủy triều lên và một bên là hình ảnh những cánh hoa tàn trôi man mác trên mặt nước. Tác giả đã tô đậm sự nhỏ bé, lênh đênh, trôi dạt của con thuyền, của những cánh hoa đã tàn, đã rụng.
* Cảnh thứ ba: “Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
+ Nét vẽ không gian : “nội cỏ”, “chân mây”, “mặt đất” gợi một không gian vô cùng rộng lớn đang đầy ải nàng Kiều.
+ Từ láy “rầu rầu” vẽ nên cả một vùng cỏ cây tàn héo, và gợi nỗi sầu thương cô lẻ.
* Cảnh cuối: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
+ Bức tranh thiên nhiên dữ dội và đầy biến động: Gió cuốn mặt duềnh đầy giận dữ; sóng thì ầm ầm kêu réo khi thủy triều lên; thậm chí Kiều còn có cảm giác những con sóng dữ dội kia đang bủa vây ngay sát bên mình hay nỗi lòng của nàng lúc này.
=> Thiên nhiên hiện lên chân thực, sinh động nhưng cũng rất ảo. Đó là cảnh được nhìn qua tâm trạng theo quy luật: “Cảnh nào cảnh cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
+ Điệp ngữ “buồn trông” kết hợp với các hình ảnh đứng sau đó đã diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng với nhiều sắc độ khác nhau như những con sóng lòng không sao chịu nổi, những nỗi buồn vô vọng, vô tận.